Các truyền thuyết Triệu_Phi_Yến

Vũ đạo tuyệt thế

Triệu Phi Yến

Về Triệu Phi Yến vũ đạo, có dày đặc truyền kỳ sắc thái. Trong 《Tây kinh tạp ký》 ghi lại:"Triệu hậu thân thể nhẹ nhàng, vòng eo thon thả, hạnh tiến bước lui đều uyển chuyển". Hay 《Triệu Phi Yến biệt truyện》 nói:"Triệu hậu eo cốt tinh tế, giỏi việc đi nhẹ nhàng (Củ bộ)". Cái gọi là Củ bộ (踽步), là Triệu Phi Yến sáng tạo độc đáo, tay như cầm hoa rung động, thân hình tựa gió mà nhẹ nhàng, có thể thấy được bản lĩnh vũ đạo cực kỳ thâm hậu. Cho tới nay, dân gian Trung Quốc hãy còn lưu truyền câu [Hoàn phì Yến sấu; 環肥燕瘦]; ý chỉ Dương Quý Phi béo, Triệu Phi Yến gầy; để chỉ sự đối nghịch về hình thể của nhị đại mỹ nhân. Chiếu theo nghĩa ấy, Triệu Phi Yến vốn nổi tiếng thiên hạ bởi sắc đẹp và vóc dáng mong manh, nhẹ nhàng tựa chim yến. Vẻ đẹp hao gầy khiến nàng có thể uyển chuyển như bay như lượn trong từng điệu múa, nên được gọi là Phi Yến.

Nàng còn có thể khống chế hô hấp[18], truyền thuyết kể rằng nàng có thể đứng trên lòng bàn tay người mà phất phới ống tay áo múa ca, giống hệt chim yến. Triệu Phi Yến cũng rất giỏi cổ cầm, sách Tây kinh tạp ký ghi lại bà có một cái gọi là Phượng hoàng bảo cầm (凤凰宝琴), khi Thị lang Khánh An diễn một khúc 《Song phượng ly loan khúc - 双凤离鸾曲》, nàng cực kỳ xúc động, dùng chính mình bảo cầm tấu một khúc 《Quy thông tống viễn thao - 归风送远操》, phiêu dật tiêu dao[19].

Theo những ghi chép của tiểu thuyết Phi Yến liệt truyện[20], để có làn da trắng nõn mềm mượt và tỏa ngát hương thơm, Triệu Phi Yến thường nhét vào rốn một dạng thuốc viên có tên gọi “Hương cơ hoàn” (香肌丸), hay "Tức cơ hoàn" (息肌丸), được pha chế theo công thức thần bí. Loại xuân dược này có thành phần chính là xạ hương, sâm Cao Ly, lộc nhung, nhục quế, phụ tử. Khi nhét vào rốn, quả nhiên thuốc phát huy công dụng mạnh mẽ, khiến Triệu Phi Yến luôn quyến rũ nhờ nước da nõn mượt và hừng hực sắc xuân.

Nhưng thần dược “Hương cơ hoàn” là con dao hai lưỡi. Chất độc trong thuốc, đặc biệt là xạ hương, có tác dụng giúp cho làn da trở nên sáng bóng, mịn màng nhưng lại vô cùng độc hại với phụ nữ đang mang thai, tích lâu ngày trong người sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Hoàng cung dược tề sư Thượng Quan Vũ (上官嫵) từng kiến nghị nên nấu một loại cây tên Dương trịch trục để làm mất đi công hiệu của Hương cơ hoàn, nhưng cả hai đều không làm.

Lưu tiên quần

Theo Phi Yến ngoại truyện, Triệu Phi Yến thân thể cực kỳ uyển chuyển nhẹ nhàng, mỗi khi nàng eo thon khoản bãi, đón gió bay múa, thật giống như muốn thuận gió mà đi. Một ngày, nàng mặc một chiếc váy tím Vân Anh đi vào hồ Thái Dịch, lại ngân nga ca cổ nhạc nhẹ nhàng khởi vũ, đột nhiên cuồng phong gào thét, Phi yến như cánh diều bay lên. Vì thế Thành Đế gọi nhạc sư ngay lập tức đến kéo Phi Yến trở về, không cho nàng bị gió thổi đi. Khi vào phong đình, phát hiện váy của nàng bị trảo đến líu nhíu, từ đây các cung nữ thịnh hành mặc các loại váy gấp ra nếp vải, mỹ danh gọi là Lưu tiên quần (留仙裙)[21].

Về sau, Hán Thành Đế phòng ngừa Triệu Phi Yến bị gió thổi đi, còn xây cất một tòa thất bảo tránh gió để nàng khiêu vũ thỏa thích, liền trở thành một giai thoại truyền đời.

Họa thủy

Trong lịch sử, nàng cùng em gái là Triệu Chiêu nghi nổi tiếng được các sử gia ví là [Hồng nhan họa thủy; 红颜祸水]. Câu này xuất phát từ Tư trị thông giám, khi hai chị em vào cung, có học sĩ nhìn thấy mà than:"Thử họa thủy dã, diệt hỏa tất hĩ". Căn cứ thuyết "Ngũ đức chung thủy", Hán là "Hỏa đức", mà nước có thể dập tắt lửa. Do vậy, về sau hồng nhan giai nhân có thể gây rối triều đại đều được gọi là Hồng nhan họa thủy[22].

Sau khi được phong Hậu, Hán Thành Đế say mê Triệu Chiêu nghi và có phần lạnh nhạt với Triệu Phi Yến, nhưng cả hai đều không thể có thai, điều này đã khiến dân gian đương thời có nhiều dị nghị cùng suy đoán. Theo tiểu thuyết Triệu Phi Yến biệt truyện thời nhà Tống, hai chị em Triệu Phi Yến không thể có con, bèn nghĩ cách quan hệ với các nam nhân bên ngoài để có con nối dõi. Triệu Chiêu nghi ra sức bao che cho Triệu Hoàng hậu nên Thành Đế hoàn toàn không hay biết. Đầu tiên, Triệu Phi Yến thông dâm với những người hầu trong cung. Rồi để được thoải mái hành lạc, nàng nói với Hán Thành Đế muốn ra ngoài xây một hành cung bên ngoài để chuyên tâm cầu tự. Hành cung này là một giang sơn riêng của Hoàng hậu, nơi nàng tuyển các trai tráng khỏe mạnh, đẹp trai, sành kỹ thuật phòng the để đưa vào phục vụ mình. Nhưng cho dù đã được hàng trăm mỹ nam hầu hạ, nàng vẫn không thể có một mụn con nào.

Yến trác hoàng tôn

Vì không thể sinh con, em gái nàng là Triệu Chiêu nghi, luôn tìm cách tàn sát những cung tần có thai với Thành Đế để bảo đảm địa vị.

Theo Liệt nữ truyện, Triệu Chiêu nghi tính cách đố kỵ với hậu cung vì không thể sinh con. Khi đó, Hứa mỹ nhân được Hán Thành Đế sủng ái, sinh ra Hoàng tử. Triệu Chiêu nghi nói với Thành Đế rằng: "Bệ hạ hay cùng thiếp đến Trung cung, thế vị Hứa mỹ nhân kia là từ đâu tới?!". Sau đó, Triệu thị bèn bỏ ăn bỏ uống, tự đâm đầu vào cột cung điện, hay lại lăn từ giường xuống sàn, khóc lóc thảm thiết khiến Thành Đế sốt sắng cả lên. Triệu thị nói: "Bệ hạ sau này muốn an trí thần thiếp thế nào, thì tùy Bệ hạ, Thần thiếp không dám trái", Thành Đế khổ sở nói: "Ta cố ý nói việc này cho nàng nghe, nàng còn lại giận dữ vì điều chi nữa chứ?", sau đó Thành Đế cũng không thiết ăn uống gì. Thấy thế, Triệu thị bèn nói: "Bệ hạ còn có mặt mũi nào tuyệt thực?! Xưa kia bệ hạ thề độc với thiếp rằng 'Hứa không phụ nàng', bây giờ vị Mỹ nhân kia có Hoàng tự, ngài thất hứa với thiếp, đáng gọi là gì đây?!", sau đó khóc lóc thảm thiết. Hán Thành Đế không muốn thấy sủng phi của mình đau lòng, bèn nói: "Ta hứa với Triệu thị, không lập với Hứa thị! Trên đời này không ai có thể vượt qua nàng trong lòng ta! Nàng yên tâm!". Sau đó, Hán Thành Đế sai người giao cho Hứa mỹ nhân một phong thư xanh, bảo giao Hoàng tử cho mình. Hứa mỹ nhân bèn theo thư mà giao đứa trẻ ra, liền bị Hán Thành Đế sai người bóp chết cho tắt thở, Triệu Chiêu nghi cũng nhìn xem cùng, sau đó cho người vội vàng mai táng ở dưới Ngục viên[23].

Lại sau đó, có Trung cung sử là Tào Cung, tự Vĩ Năng, được Hán Thành Đế lâm hạnh cũng sinh Hoàng tử. Hán Thành Đế cũng lại đem nói với Triệu Chiêu nghi, biết được là con trai thì cũng đem giết. Dịch đình Ngục thừa tên Tịch Vũ khuyên can, Thành Đế không nghe. Nhưng Tào Cung chưa chết, Chiêu nghi cũng giận, thế là Thành Đế bèn sai người đưa thuốc độc kèm phong thư đến, bảo Tào Cung tự sát. Tào Cung khóc mắng:"Dung túng hai chị em bọn họ, cuối cùng kết cục thế này đây! Con ta chào đời chỉ vừa mới mọc tóc, bây giờ đang ở đâu rồi?! Hay đã bị hai chị em họ giết chết rồi?!", sau đó bèn uống thuốc độc tự sát.[24].

Do nguyên nhân này, Hán Thành Đế cũng tuyệt tự. Dân gian lưu truyền đồng dao: 「Yến yến, vĩ cung cung, trương công tử, thời tương kiến. Mộc môn thương lang căn, yến phi lai, trác hoàng tôn. Hoàng tôn tử, yến trác thỉ; 燕燕,尾龚龚,張公子,時相見。木門倉琅根,燕飛來,啄皇孫。皇孫死,燕啄矢。」, khi ấy Hán Thành Đế hay cùng Trương Phóng Câu cải trang du ngoạn, cũng gọi [Trương công tử; 張公子][25]. Câu ca dao này dần được truyền tụng, trở thành điển tích [Yến trác hoàng tôn; 燕啄皇孙], có nghĩa là "chim yến mổ chết hoàng tôn" để nói về sự việc này của chị em họ Triệu. Sử gia Ban Cố về sau khi soạn Hán thư cũng đem tích này ghi lại, lưu truyền về sau.